Trồng tre ngọt lấy măng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cây ăn quả, và có thể duy trì mô hình bền vững trong hàng chục năm.
LTS: Trải qua những thăng trầm của chiều dài lịch sử, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đóng tại xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) đã âm thầm gắn bó với rừng, nghiên cứu, chuyển giao nhiều cây trồng có giá trị, tạo sinh kế cho bà con làm nghề rừng…
Thơm như măng tre ngọt
Vừa đặt chân tới Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ, ông Phạm Văn Chiến, người có kinh nghiệm dày dạn nhất trung tâm, đã khoe về một giống tre đặc biệt. “Càng chặt măng nhiều, tre càng mọc tốt nhà báo ạ”, ông hóm hỉnh.
Xuyên qua một con đường đất gập ghềnh, ông Chiến dẫn vào khu rừng tre đặc biệt, nơi khiến người lần đầu tới dễ liên tưởng đến phim trường của các bộ phim kiếm hiệp. Tre ở đây mọc thành từng khóm, mỗi khóm độ chục cây, và được trồng theo hàng lối ngay ngắn, mỗi khóm cách nhau độ chục mét. Nhìn từ ngoài, tre này không khác gì tre bình thường.
Nhận thấy khuôn mặt ngơ ngác của khách, ông Chiến như đoán được ý và chỉ tay vào một cây măng lớn, cao khoảng 40 cm. “Măng này ngon lắm, thơm ngọt, chứ không đắng và hăng như các loại măng rừng khác. Ngày xưa, tôi từng nướng măng tươi ăn tại chỗ, chỉ chấm với muối thôi mà thấy ngọt lịm. Ăn xong quên cả mệt, lại có sức đi tiếp”, ông Chiến kể.
Cây măng ông Chiến chỉ, mọc từ tre ngọt. Đây là giống tre mới được đưa vào khai thác ớ nước ta, vốn được thuần hóa từ tự nhiên. Tre ngọt có nhiều ưu điểm vượt trội, nhưng đáng kể nhất là giá trị kinh tế từ khai thác măng.
Một kilogram măng tươi có thể bán với giá khoảng 20.000 đồng. Lý do bởi, măng tre ngọt không phải sơ chế bằng cách luộc qua nước. Món khoái khẩu nhất từ loại măng này là xào tỏi.
Nhìn bề ngoài gần giống tre mạnh tông, nhưng năng suất của tre ngọt cao hơn hẳn. Sau khi trồng một năm, tre đã cho măng. Khoảng hai năm, năng suất măng đi vào ổn định. Một cây măng to có thể nặng tới 7 kilogram.
Thời gian cho măng trong năm kéo dài từ tháng 3 đến hết tháng 10. Một điểm lợi nữa khi trồng tre ngọt, là chúng cho măng sớm hơn đa số các loại tre khác. So với trồng cây ăn quả, trồng tre ngọt mất ít công chăm sóc, thích hợp với những vùng đất thoải trên triền đồi, và có thể sinh trưởng tại những vùng đất ít màu mỡ.
Tre ngọt được phát hiện từ cuối thế kỷ 19, có thể đạt chiều cao 25 – 30 m, đường kính 13 – 30 cm. Biên độ sinh thái về độ cao của tre ngọt rất rộng, từ khoảng 50 mét ở xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ đến tận 1.600 mét ở xã Dào San, huyện Phong Thổ, Lai Châu. Ngoài lấy măng, tre ngọt còn có tác dụng làm phòng hộ do người dân chỉ khai thác chọn nên duy trì được độ che phủ rừng.
Tại Việt Nam, TS Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ là một trong những người say mê với loài tre này. Trong bốn năm, từ 2016 đến 2020, ông nghiên cứu xong đề tài khai thác và phát triển nguồn gen tre ngọt.
Nghiên cứu của TS Thọ chỉ ra, cây tre ngọt cho tốc độ sinh măng lớn nhất vào giai đoạn một đến hai năm tuổi, trung bình khoảng 2 măng/cây mẹ. Sang tuổi thứ ba, năng suất giảm đột ngột, chỉ còn 0,2-0,4 măng/cây mẹ.
Người dân Phú Thọ nói riêng và các tỉnh có nhiều tre ngọt ở miền núi phía Bắc như Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên nói chung, hầu hết đều cho biết, càng khai thác măng tre ngọt thì măng càng ra nhiều.
TS Nguyễn Văn Thọ cho biết, số cây để lại là yếu tố quyết định đến sản lượng măng. Nhờ hướng dẫn của ông, người dân ở Phú thọ thường để lại 4-5 cây/bụi để đạt hiệu quả tối ưu. Ngoài ra, tiến sĩ ngành lâm nghiệp cũng khuyến cáo bà con cần lấy hết măng trong 4 đợt khai thác đầu tiên, sau đó cứ 1-2 lần khai thác măng lại chọn và nuôi một măng làm cây mẹ.
“Nếu chọn được vị trí của măng nuôi dưỡng làm cây mẹ hợp lý, sao cho phân bố đều khắp các hướng vùng trồng, có thể nói tiềm năng của tre ngọt là vô hạn”, TS Nguyễn Văn Thọ chia sẻ.
Tiềm năng xuất khẩu
Hàng năm trên thế giới tiêu thụ khoảng hơn 2 triệu tấn măng tre. Những nước nhập khẩu măng lớn là Mỹ, Nhật Bản, và Singapore. Tuy nhiên, khu vực trồng măng chủ yếu tập trung ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Đài Loan.
Để khai thác bền vững, tăng giá trị cho tre ngọt, TS Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ cho biết, yếu tố thời vụ ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả nhân giống. Tốt nhất là nhân giống là vào vụ xuân, sử dụng chất kích thích sinh trưởng IBA ở nồng độ 1500 ppm sẽ cho tỷ lệ sống sau 28 ngày đạt 97,8%, số lượng chồi/gốc cành chiết là 3,61, số rễ/gốc cành chiết là 20, chiều dài rễ đạt 6,9 cm và tỷ lệ sống sau giâm hom tại vườn ươm là 92%.
Về kỹ thuật nhân giống, TS Thọ đề nghị người dân dùng xà beng hoặc dao, búa tách cuống thân ngầm của những cây bánh tẻ một tuổi, khi tách tránh không được làm dập xước cuống thân ngầm. Số lóng để lại khoảng từ 3 – 4 lóng, tương đương chiều dài khoảng 1 mét. Trồng bằng giống gốc có ưu điểm là kỹ thuật đơn giản, nhanh phát triển thành bụi nên được sử dụng rộng rãi, nhưng có hạn chế về mặt thời vụ và tỷ lệ sống thấp.
Cường độ khai thác măng cũng quyết định độ bền vững và ổn định của thu nhập từ măng. Với các loài mọc cụm ở các Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, măng ra từ tháng 5 và có thể kéo dài đến tháng 9 nhưng tập thung nhất vào tháng 6 và 7. Ở thời điểm chính vụ này, chu kỳ khai thác có thể chỉ từ 4-7 ngày.
Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Văn Thọ, tỷ lệ tre ngọt trong khu vực trồng nên chiếm trên 50% số cây. “Nếu duy trì được tỷ lệ này, chứng tỏ người dân đã khai thác hợp lý, đảm bảo khả năng sinh trưởng cho cây tre”, ông nhấn mạnh.
Nhờ giàu protein, tre ngọt có tác dụng quan trọng trong việc cấu tạo mô tế bào mới, tu bổ các mô bị hư, điều chỉnh chức năng hồng cầu hormon, các enzym, giúp người mẹ tạo ra sữa và cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Từ ngày nhân rộng các mô hình trồng tre ngọt lấy măng, loài cây này ngày càng phổ biến ở tỉnh Phú Thọ. Nhưng với ông Phạm Văn Chiến, người công tác tại Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ gần 40 năm, giống tre này vẫn như hồi thập niên 1980 – trẻ mãi không già trong mắt ông.